Hướng dẫn cách làm oản tài lộc trang trí bàn thờ, dâng lễ ngày Tết
Tự tay làm một mẫu oản tài lộc để dâng lên bàn thờ không chỉ là cách thể hiện lòng thành kính mà còn là một hoạt động ý nghĩa, gắn kết các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách làm sao cho oản đẹp và đúng phong tục. Hiểu được điều này, Oản Nghệ Thuật Quỳnh Nga đã biên soạn hướng dẫn chi tiết nhằm giúp quý khách hàng dễ dàng tự thực hiện tại nhà. Việc cùng nhau làm oản không chỉ tạo nên lễ vật trang trọng mà còn làm cho những ngày Tết thêm phần ý nghĩa, ấm cúng.
Ý nghĩa và cách bày trí oản tài lộc
Trong văn hóa tâm linh người Việt, Tết Nguyên Đán là thời điểm giao hòa giữa năm cũ và năm mới, mang ý nghĩa sum họp, tưởng nhớ tổ tiên và cầu chúc phúc lành. Oản tài lộc, oản lễ xuất hiện trên các bàn thờ gia tiên với hình dáng tháp cao, màu sắc bắt mắt cùng các phụ kiện trang trí như lá ngọc, cành vàng, oản tài lộc không chỉ làm đẹp bàn thờ mà còn thể hiệnmong muốn cho một năm mới thịnh vượng, sung túc và đầy may mắn.
=> Đọc thêm: Cùng tìm hiểu về ý nghĩa oản tài lộc
Chuẩn bị nguyên liệu và dụng cụ làm oản tài lộc
Để bắt đầu, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu cần thiết. Một tháp oản tài lộc đẹp thường được làm từ những nguyên liệu sau:
Nguyên liệu chính bao gồm: Oản bánh được bọc giấy kiếng màu sắc phù hợp với không gian bày trí, tùy theo ý nghĩa phong thủy mà bạn muốn truyền tải. Màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn và hạnh phúc, trong khi màu vàng biểu hiện sự giàu sang, phú quý. Thêm vào đó, giấy thủy ngân màu và giấy tuyết là các vật liệu chủ đạo dùng để bọc chân đế và thân tháp.
Các phụ kiện trang trí như: Cành vàng, lá nguyệt quế ánh vàng, cành sung, hoa đỏ và tấm liễn nhỏ là những chi tiết không thể thiếu. Chúng giúp tăng tính thẩm mỹ và tạo điểm nhấn cho tháp oản.
Dụng cụ hỗ trợ bao gồm: Kéo cắt, súng bắn keo, dây kẽm, dây thun và bìa carton nhỏ để tạo cấu trúc tháp. Việc chọn dụng cụ và nguyên liệu tốt sẽ giúp bạn dễ dàng hoàn thiện sản phẩm.
Chi tiết các bước làm Oản tài lộc
Bước 1: Tạo phần đế tháp oản
Có nhiều người chọn làm phần thân và phần trên cùng trước, và phần đế làm sau cùng. Tuy nhiên như vậy có thể gặp các trường hợp đế sẽ ko đứng vững hoặc ko cân xứng và phù hợp với phần thân. Do vậy chúng ta sẽ làm phần đế trước để định hình khối, kết cấu cho toàn bộ oản.
Bạn gấp đôi tờ giấy thủy ngân màu đỏ ba lần, đến lần thứ tư thì gấp chéo sao cho các nếp gấp được xếp đều và đẹp mắt. Sau đó, dùng kéo răng cưa cắt phần đỉnh tờ giấy để tạo hình cánh hoa. Khi mở ra, bạn sẽ có một tờ giấy hình elip với các cánh hoa mềm mại.
Tiếp theo, bạn xếp chồng tờ giấy này lên hai tờ giấy tuyết màu vàng, xen kẽ nhau để tạo hiệu ứng bắt mắt. Đặt trụ oản vào giữa và cố định bằng dây thun. Hãy điều chỉnh cẩn thận để các lớp giấy xòe ra cân đối, tạo nên sự hài hòa.
Sau khi cố định chân đế, bạn tiếp tục bọc thêm một lớp giấy thủy ngân để tăng độ chắc chắn và thẩm mỹ. Dùng dây kẽm quấn chặt quanh phần dây thun nhằm che đi khuyết điểm và làm cho đế oản thêm phần tinh tế.
Bước 2: Làm phụ kiện trang trí đỉnh tháp
Đỉnh tháp là phần tạo điểm nhấn chính, bạn cần đầu tư công sức để làm nổi bật.
Đầu tiên, chuẩn bị một miếng bìa carton nhỏ. Gắn một đoạn dây kẽm vào giữa bằng súng bắn keo để sau này dễ dàng cố định lên đỉnh tháp. Sau đó, bạn dán một cành lá nguyệt quế dài vào trung tâm miếng bìa, làm nền cho các phụ kiện khác. Tiếp đến, dán hai cành sung ở hai bên phía trên để tạo cảm giác cân đối.
Phần dưới của miếng bìa, bạn dán hai lá thông đỏ quay xuống để tạo sự tương phản. Bạn có thể thêm một vài cành lá nguyệt quế nhỏ hơn để tăng độ chi tiết. Cuối cùng, dán một bông hoa lớn màu đỏ vào trung tâm miếng bìa, làm điểm nhấn thu hút ánh nhìn.
Hãy để keo khô hoàn toàn trước khi tiếp tục trang trí.
Bước 3: Trang trí và hoàn thiện tháp oản tài lộc
Bây giờ, bạn chọn mặt đẹp nhất của trụ tháp để gắn phụ kiện vừa làm lên đỉnh và than. Dùng sợi kẽm buộc chặt và cố định bằng keo để đảm bảo độ chắc chắn.
Để tăng sự nổi bật, dán thêm tấm liễn chúc Tết màu đỏ ở giữa thân tháp. Tấm liễn không chỉ tạo điểm nhấn mà còn mang lại thông điệp may mắn, phước lành.
Cuối cùng, kiểm tra lại toàn bộ tháp để đảm bảo các chi tiết được gắn chắc chắn, cân đối và hài hòa.
Lưu ý khi làm và bảo quản tháp oản tài lộc
Khi làm oản, bạn cần chọn nguyên liệu chất lượng và đảm bảo các chi tiết được gắn chắc chắn để tháp oản có thể giữ được hình dáng trong suốt quá trình bày trí.
Hãy cân nhắc để chọn kích thước oản cho phù hợp với không gian, tránh làm to quá hoặc nhỏ quá sẽ tạo sự mất cân đối, mất thẩm mỹ.
Đối với việc bảo quản, hãy tránh đặt oản ở nơi ẩm ướt hoặc có ánh sáng trực tiếp để giữ độ bền và màu sắc của sản phẩm.
Bằng cách làm theo hướng dẫn chi tiết này, bạn không chỉ tạo được một tháp oản tài lộc đẹp mắt mà còn mang lại giá trị tinh thần, làm cho không gian thờ cúng trở nên trang trọng và ý nghĩa hơn trong dịp Tết. Chúc bạn thành công!