Đi lễ chùa đầu năm mới là một trong những nét đẹp phong tục, mang lại giá trị tâm linh sâu sắc trong đời sống người Việt. Tuy quen thuộc tới vậy nhưng nhiều người hiện nay vẫn chưa biết đi lễ chùa đầu năm như nào cho đúng để có thể mang lại nhiều may mắn tài lộc. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn chi tiết những lưu ý quan trọng khi đi lễ chùa năm 2025, giúp bạn có một hành trình đi lễ Chùa ý nghĩa và trọn vẹn. Hãy cùng Oản Quỳnh Nga tham khảo nhé!
1. Thời điểm nào thích hợp để đi lễ Chùa năm mới 2025?
Thời điểm đi lễ chùa đầu năm mới 2025 là yếu tố rất quan trọng, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến ý nghĩa tâm linh mà còn mang lại sự an lành cho cả năm.
Trước giao thừa: Nhiều người lựa chọn đi chùa trước giao thừa để dâng hương, cầu mong sự hanh thông và giải trừ vận hạn. Đây là cách để “gói ghém” những điều chưa may mắn của năm cũ.
Đêm giao thừa: Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới được coi là linh thiêng nhất. Đi lễ chùa vào đêm giao thừa để cầu bình an và đón nhận lộc trời ban, mang lại khởi đầu thuận lợi cho năm 2025.
Sáng mùng 1 Tết: Đây là thời điểm mà hầu hết mọi người đi lễ chùa, mang ý nghĩa chúc phúc và cầu may mắn.
Các ngày khác trong tháng Giêng: Đặc biệt, rằm tháng Giêng là một trong những thời điểm quan trọng để lễ chùa. Đây được xem là dịp “Tết Nguyên Tiêu”, cầu cho sự tròn đầy, an yên. Đặc biệt thời điểm này có rất nhiều các lễ hội đặc sắc dịp Xuân về: Lễ hội chùa Hương (mùng 6/1 âm lịch), lễ hội chùa Yên Tử ( mùng 10/1 âm lịch), lễ hội chùa Keo (14 tháng Giêng),…
2. Thứ tự khi lễ Chùa 2025, cách thực hiện và lễ vật cần chuẩn bị
Thứ tự hành lễ khi đi chùa là một phần quan trọng thể hiện lòng thành kính, sự tôn nghiêm và hiểu biết về phong tục tập quán. Việc hành lễ đúng cách không chỉ giúp bạn hòa mình vào không gian tâm linh mà còn đảm bảo bạn thực hiện các nghi thức phù hợp. Dưới đây là thứ tự hành lễ khi đi chùa, cách thực hiện và lễ vật cần chuẩn bị:
Lễ Ban Thờ Đức Ông
Vị trí: Ban thờ Đức Ông thường được đặt gần cổng chùa hoặc trong một gian bên cạnh chính điện.
Ý nghĩa: Đây là nơi để xin phép các vị hộ pháp cho phép bạn vào lễ Phật.
Cách thực hiện:
Thắp hương (1, 3 hoặc 5 nén) và cúi vái ba vái.
Dâng lễ vật nếu có, thường là đồ chay, hoa quả hoặc tiền vàng.
Lễ Ban Tam Bảo (Chính Điện)
Vị trí: Đây là khu vực trung tâm, nơi có nhiều lớp thờ: Tam Thế tam thiên Phật, Phật Thích Ca, Quan Âm Bồ Tát và các vị Phật khác.
Ý nghĩa: Chính điện là nơi linh thiêng nhất trong chùa, nơi để bày tỏ lòng thành kính và cầu nguyện.
Cách thực hiện:
Dâng lễ vật: chỉ nên là lễ chay (hoa quả, bánh kẹo, nước sạch).
Thắp hương và khấn xin bình an, sức khỏe, hạnh phúc.
Lễ Ban Thánh và Ban Mẫu
Vị trí: Thường ở hai bên hoặc phía sau chính điện.
Ý nghĩa: Đây là nơi thờ các vị thánh, mẫu trong tín ngưỡng dân gian.
Cách thực hiện:
Dâng lễ tùy tâm, có thể là lễ chay (bánh kẹo, hoa quả, oản lễ, nước sạch,…) hoặc lễ tam sinh (thịt gà, giò, chả,…), vàng mã
Vị trí: Khu vực thờ các vị tổ sư đã sáng lập hoặc trụ trì chùa.
Ý nghĩa: Tri ân các vị tổ sư và cầu mong được phù hộ trong cuộc sống.
Cách thực hiện:
Dâng lễ vật (chủ yếu là lễ chay).
Thắp hương và khấn xin phù hộ.
Lễ Tháp Mộ, Đình Miếu Phụ (Nếu Có)
Vị trí: Các công trình nhỏ quanh chùa thờ thần linh, các vị sư viên tịch.
Cách thực hiện: Thắp hương, cúi vái nhẹ nhàng để thể hiện sự kính trọng.
3. Trang phục khi đi lễ chùa
Đền chùa là nơi linh thiêng, chốn tâm linh, là nơi thờ tụng. Vì vậy khi đi lễ bạn cần lưu ý mặc trang phục tối giản, có màu sắc nhã nhặn. Bạn nên chọn những bộ quần áo kín đáo, lịch sự, tránh các trang phục hở hang, bó sát hoặc quá nổi bật. Áo dài tay kết hợp với quần dài hoặc váy dài qua gối là sự lựa chọn an toàn. Về màu sắc, hãy ưu tiên những gam màu trung tính như trắng, xám, nâu, hoặc các tông màu pastel nhã nhặn, tránh các màu sắc quá sặc sỡ hay họa tiết gây chú ý. Ngoài ra, bạn nên đi giày dép dễ tháo và mang theo khăn quàng hoặc áo khoác nhẹ để đảm bảo sự tiện lợi và trang nghiêm. Lựa chọn trang phục phù hợp không chỉ thể hiện lòng thành kính mà còn giúp bạn thoải mái hơn trong không gian thanh tịnh của chùa.
4. Chuẩn bị bài văn khấn chu đáo
Văn khấn là lời cầu nguyện thành tâm, là lời giao tiếp giữa người cúng và thế giới tâm linh. Vì vậy người cầu cần chuẩn bị chu đáo, có thể không cần học thuộc.
Văn khấn lễ Phật
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Hôm nay là ngày…….. tháng…….. năm …
Tín chủ con là …………………………
Ngụ tại………………………
Cùng toàn thể gia đình thành tâm trước Đại Hùng Bảo Điện, nơi Chùa …….. dâng nén tâm hương, dốc lòng kính lạy:
Đức Phật Thích Ca, Đức Phật Di Đà, Mười phương chư Phật, Vô thượng Phật pháp, Quan âm Đại sỹ, và Thánh hiền Tăng.
Ngày nay đến trước Phật đài, thành tâm sám hối, không làm điều dữ, nguyện làm việc lành, nguyện trông ơn Phật, Quan âm Đại sỹ chư Thánh hiền Tăng, Thiên Long bát bộ, Hộ pháp Thiên thần, từ bi gia hộ. Khiến cho chúng con và cả gia đình tâm không phiền não, thân không bệnh tật, hàng ngày an qui làm việc theo pháp Phật nhiệm màu, để cho vận đảo hanh thông, muôn thuở nhuần ơn Phật pháp.
Đặng mà cứu độ cho các bậc Tôn trưởng Cha mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc, cùng cả chúng sinh đều thành Phật đạo.
Tâm nguyện lòng thành kính bái thỉnh cúi xin chứng giám.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)
Văn khấn Quan Thế Âm Bồ Tát
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con Nam mô Đại từ, Đại bi Linh cảm Quán Thế Âm Bồ Tát.
Con xin kính lạy đức Viên thông Giáo chủ thùy từ chứng giám.
Tín chủ con là…………………………………………………………………………
Ngụ tại…………………………………………………………………………………..
Hôm nay là ngày…….tháng…….năm…….tín chủ con thành tâm đến trước Phật đài, nơi điện Đại bi, kính dâng phẩm vật, hương hoa kim ngân tịnh tài, ngũ thể đầu thành, nhất tâm kính lễ dưới tòa sen hồng.
Cúi xin đức Đại sỹ không rời bản nguyện chở che cứu vớt chúng con, như mẹ hiền phù trì con đỏ. Nhờ nước dương chi, lòng trần cầu ân thanh tịnh,thiện nguyện nêu cao. Đước ánh từ quang soi tỏ, khiến cho nghiệp trần nhẹ bớt, tâm đạo khai hoa, độ cho đệ tử con cùng toàn thể gia quyến ba tháng đông, chín tháng hè luôn được sức khỏe dồi dào, phúc thọ khang ninh, lộc tài vượng tiến, công việc hanh thông, vạn sự tốt lành, sở cầu như ý, sở nguyện tong tâm.
Cầu gì cũng được, nguyện gì cũng thành.
Tín chủ con lễ bạc tâm thành, cúi xin được phù hộ đồ trì.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)
Văn khấn Địa Tạng Vương Bồ Tát
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)
Con lạy chín phương trời, mười phương Chư phật, Chư phật mười phương.
Nam mô Đại bi, Đại nguyện, Đại thánh, Đại từ Bản tôn Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Kính lễ Đức U Minh giáo chủ thuỳ từ chứng giám.
Hôm nay là ngày ….. tháng ….. năm …
Tín chủ con là: ……………………………
Ngụ tại:…………………………………………
Thành tâm đến trước Phật đài, nơi điện Cửu hoa, kính dâng phẩm vật, hương hoa kim ngân tịnh tài, ngũ thể đầu thành, nhất tâm kính lễ dưới toà sen báu.
Cúi xin Đức Địa Tạng Vương không rời bản nguyện, theo Phật phó chúc trên cung trời Đạo Lợi, chở che cứu vớt chúng con và cả gia quyến, như thể mẹ hiền, phù trì con đỏ, nhờ ánh ngọc Minh Châu tiêu trừ tội cấu, trí tuệ mở mang, được mây từ che chở, tâm đạo khai hoa, não phiền nhẹ bớt. Khi còn sống thực hành thiện nguyện, noi gương Đại Sỹ, cứu độ chúng sinh.
Khi vận hạn ốm đau, nhờ được đức từ hộ niệm, thần linh bản xứ giúp yên. Lúc lâm chung được nhờ ánh bi quang, vượt khỏi tam đồ, sinh lên cõi thiện.
Lại nguyện cho Hương linh Gia tiên chúng con nhờ công đức cúng dâng này thảy đều siêu thoát.
Tâm nguyện lòng thành, cúi xin bái thỉnh.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)
Văn khấn Đức Thánh Hiền
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)
Con cúi lạy Đức Thánh Hiền, Đại Thánh Khải Giáo A Nan Đà Tôn Giả.
Hôm nay là ngày ….. tháng ….. năm …..
Tín chủ con là………………………………………………………………………………………………………..
Chúng con thành tâm tiến dâng lễ bạc, oản quả, hương hoa.
Cầu mong Tam Bảo chứng minh, Đức Thánh Hiền chứng giám, rủ lòng thương xót phù hộ cho con được mọi sự tốt lành, sức khỏe dồi dào, an ninh khang thái, gia đạo hưng long, thịnh vượng.
Cúi mong Ngài soi xét tâm thành, phù hộ cho gia đình chúng con được sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.
Nam mô A-di-đà Phật (3 lần, 3 lạy)
Văn khấn Đức Ông – Đức Chúa Ông
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)
Kính lạy Đức Ông Tu Đạt Tôn Giả, Thập Bát Long Thần, Già Lam Chân Tể.
Hôm nay là ngày ….. tháng ….. năm …..
Tín chủ con là………………………………………………………………………………………………………..
Cùng cả gia đình thân tới cửa chùa trước điện Đức Ông, thành tâm kính lễ, (nếu có đang lễ vật thì khấn thêm “hiến dâng phẩm vật, kim ngân tịnh tài”), chúng con tâu lên Ngài Tu Đạt Tôn Giả từ cảnh trời cao soi xét.
Chúng con kính tâu lên Ngài Già Lam Chân Tể cai quản trong nội tự cùng các Thánh Chúng trong cảnh chùa đây.
Thiết nghĩ chúng con sinh nơi trần tục, nhiều sự lỗi lầm, hôm nay tỏ lòng thành kính, cúi xin Đức Ông thể đức hiếu sinh, rủ lòng tế độ che chở cho chúng con, ba tháng hè chín tháng đông, tiêu trừ bệnh tật tai ương, vui hưởng lộc tài may mắn, cầu gì cũng được, nguyện gì cũng thành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A-di-đà Phật (3 lần, 3 lạy)
Văn khấn cầu tài lộc, bình an ở ban tam bảo
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)
Đệ tử con thành tâm kính lạy Mười phương chư Phật, chư vị Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng, Hộ pháp Thiện thần, Thiên Long Bát Bộ.
Hôm nay là ngày ….. tháng ….. năm …..
Tín chủ con là………………………………………………………………………………………………………..
Thành tâm dâng lễ bạc cùng sớ trạng (nếu viết sớ đặt trên mâm lễ vật) lên cửa Mười phương Thường trụ Tam Bảo.
Chúng con xin dốc lòng kính lễ:
Đức Phật A Di Đà giáo chủ cõi Cực Lạc Tây phương.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giáo chủ cõi Sa Bà.
Đức Phật Dược Sư Lưu Ly giáo chủ cõi Đông phương.
Đức Thiên thủ, Thiên nhãn, Ngũ bách danh tầm thanh cứu khổ cứu nạn, linh cảm Quán Thế m Bồ Tát.
Kính lạy Đức Hộ Pháp thiện thần Chư Thiên Bồ Tát.
Kính xin chư vị rủ lòng từ bi, phù hộ độ trì cho con, nguyện được ………………………. (công danh, tài lộc, giải hạn, bình an…).
Nguyện xin chư vị, chấp kỳ lễ bạc, tâm thành (sớ trạng) chứng minh, chứng giám cho con được tai qua nạn khỏi, điều lành đem đến, điều dữ tiêu tan, phát lộc phát tài, gia trung mạnh khoẻ, trên dưới thuận hoà an khang thịnh vượng.
Chúng con người phàm trần tục lầm lỗi còn nhiều. Cúi mong Phật, Thánh từ bi đại xá cho con (và gia đình) được tai qua nạn khỏi, mọi sự tốt lành, sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.
Tín chủ chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin được phù hộ độ trì.
Khi hạ lễ tại chùa, bạn cần thực hiện đúng cách để giữ sự trang nghiêm và thể hiện lòng thành kính. Trước tiên, sau khi dâng lễ và cầu nguyện xong, hãy đợi cho nhang trên bàn thờ cháy gần hết mới bắt đầu hạ lễ. Hạ lễ cần được tiến hành nhẹ nhàng, không chen lấn hoặc gây mất trật tự trong không gian chùa.
Khi hạ lễ, bạn cần hạ đúng đồ lễ của mình, tránh nhầm lẫn hoặc lấy nhầm lễ của người khác. Những đồ lễ như hoa quả, bánh kẹo sau khi được hạ xuống có thể mang về làm lộc, giữ lại để chia sẻ với gia đình hoặc bạn bè nhằm lan tỏa may mắn. Tuy nhiên, nếu trong lễ có đồ ăn mặn, hãy hạn chế mang về vì một số chùa không khuyến khích điều này. Hãy nhớ giữ khu vực bàn thờ sạch sẽ và gọn gàng sau khi hạ lễ để không làm phiền đến những người đến lễ sau bạn.
Thực hiện hạ lễ đúng cách không chỉ thể hiện lòng thành mà còn góp phần duy trì sự tôn nghiêm trong không gian chùa, tạo một môi trường thanh tịnh và ý nghĩa cho tất cả mọi người.
6. Những điều cần tránh khi lễ Chùa
Khi đi lễ chùa, ngoài việc thực hiện các nghi lễ đúng cách, bạn cũng cần tránh những điều không phù hợp để giữ gìn không gian linh thiêng và tôn trọng văn hóa tín ngưỡng. Dưới đây là những điều cần tránh:
Trang phục không phù hợp: Tránh mặc quần áo ngắn, hở hang, bó sát hoặc quá sặc sỡ khi đi chùa. Nên chọn trang phục kín đáo, nhã nhặn, tránh gây phản cảm và phù hợp với không gian thanh tịnh.
Lời nói và hành động không đúng mực: Không nói lớn tiếng, cười đùa hoặc sử dụng ngôn ngữ thiếu lịch sự trong khuôn viên chùa. Tránh đi lại ồn ào hoặc chen lấn khi hành lễ, làm ảnh hưởng đến người khác.
Dâng lễ sai cách: Không nên đặt lễ mặn như thịt, cá trên bàn thờ Phật, vì điều này không phù hợp với văn hóa thờ Phật thanh tịnh. Không thắp nhang quá nhiều gây khói mù mịt, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người xung quanh.
Hành vi thiếu ý thức: Không tự ý chạm vào tượng Phật, bệ thờ, hoặc các hiện vật thiêng liêng trong chùa. Tránh xả rác bừa bãi hoặc để lại đồ lễ thừa sau khi dâng.
Xin lộc và tiền không đúng cách: Không chen lấn, tranh giành để xin lộc hoặc bỏ tiền vào các vị trí không đúng quy định. Tiền công đức nên bỏ vào hòm công đức chính thức của chùa.
Tâm thế và ý định không trong sáng: Không nên đến chùa chỉ để cầu lợi ích cá nhân như tài lộc, danh vọng mà thiếu đi lòng thành kính và tâm an lành. Tránh mang theo tâm trạng tiêu cực hoặc cố ý gây mâu thuẫn khi vào không gian chùa.
Sử dụng điện thoại hoặc thiết bị không phù hợp: Hạn chế chụp ảnh, quay phim hoặc sử dụng điện thoại tại những nơi cấm trong chùa, đặc biệt là khu vực hành lễ và chính điện.
Những lưu ý trên không chỉ giúp bạn thực hiện lễ chùa đúng cách mà còn góp phần giữ gìn vẻ đẹp văn hóa và sự thanh tịnh của không gian linh thiêng này.
Lễ chùa không chỉ là phong tục đẹp mà còn giúp mỗi người hướng về điều thiện, tìm lại sự an yên trong tâm hồn. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn chuẩn bị chu đáo và thực hiện lễ chùa đúng cách, khởi đầu một năm 2025 bình an và hạnh phúc. Hãy luôn giữ lòng thành kính, mọi phước lành sẽ đến với bạn!